Đặt banner 324 x 100

Không dùng AMD hoặc Intel, PC có những lựa chọn CPU nào khác


Bây giờ khi nói đến thị trường CPU máy tính, rất nhanh, anh em có thể nghĩ đến cán cân quyền lực gần như độc quyền giữa hai phe, AMD và Intel. Đối với đội xanh, họ cuối cùng cũng chịu dừng refresh kiến trúc Skylake để lên đời kiến trúc Alder Lake thế hệ thứ 12 vào cuối năm nay. Còn ở bên kia chiến tuyến, AMD đang có cuộc lội ngược dòng đầy ấn tượng và phấn khích, đem lại những cải tiến rất lớn ở cả IPC lẫn số nhân xử lý mỗi lần họ ra mắt thế hệ CPU Ryzen mới.

Phải thừa nhận, đối với thị trường tiêu dùng, PC hiện giờ là cuộc đối đầu song mã giữa hai cái tên nêu trên. Nhưng nói vậy không đồng nghĩa với việc các quốc gia hay các doanh nghiệp khác không có những giải pháp CPU desktop phục vụ những thị trường ngách.

ARM trên PC: Từ M1, 8cx cho đến tương lai của desktop

Ví dụ cụ thể nhất của chip xử lý ARM trên máy tính chính là sản phẩm mà Apple ra mắt để thử thách tình hình thị trường CPU desktop hiện giờ. Dù không phải là chip ARM đầu tiên trang bị cho laptop và desktop, nhưng M1 lại đang tạo ra được một cuộc cách mạng lớn, với SoC sản xuất trên tiến trình 5nm, trang bị những nhân xử lý ARM chuyên biệt cho từng nhu cầu. Không cần phải nói nhiều để anh em nhận ra, M1 có bố cục và kết cấu giống với chip A14 trên iPhone hơn là những CPU đa dụng của Intel hay AMD anh em đang dùng hàng ngày.

Dĩ nhiên, khác kiến trúc, nên M1 cũng đòi hỏi hệ thống dịch code Rosetta để chuyển code x86 thành thứ mà M1 có thể hiểu và xử lý. Không chỉ có hiệu năng ấn tượng đối với những ứng dụng chạy native trên nền kiến trúc ARM, mà vài bài kiểm tra hiệu năng cũng chứng tỏ M1 thực sự ngon hơn Comet Lake của Intel ở nhiều tác vụ khác nhau.

Chỉ trong vài năm tới, Apple sẽ chính thức đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên máy Mac chạy CPU x86. Trên toàn thế giới, hiện giờ macOS đang chiếm khoảng 7% thị phần PC, nghĩa là không thể chỉ nhờ một con chip M1 để Apple thay thế hoàn toàn những CPU như Tiger Lake U chẳng hạn. Tuy nhiên thành công của Apple chắc chắn sẽ khiến cho các hãng để tâm hơn và nghiêm túc hơn với việc ứng dụng kiến trúc ARM trên PC.

Suốt từ hồi năm 2012, chiếc Surface RT của Microsoft đã được trang bị SoC ARM để chạy phiên bản Windows hỗ trợ kiến trúc này. Tuy nhiên cả hiệu năng, khả năng tối ưu ứng dụng cùng rất nhiều vấn đề khác đã khiến ARM trên PC không được quan tâm vào thời bấy giờ. Mọi chuyện đã khác với sự hiện diện của Apple M1, ví dụ như sau đó là sự ra mắt của Samsung Galaxy Book S trang bị Qualcomm Snapdragon 8cx. Hiện giờ ARM trên PC vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khai, nhưng chỉ cần 5 năm nữa thôi, những cỗ máy tính không được trang bị CPU của Intel hay AMD sẽ phổ biến hơn rất nhiều, tuyệt đại đa số chúng sẽ sử dụng kiến trúc ARM.

>>> Xem thêm: máy trạm là gì

 

Trung Quốc và ước mơ tự chủ cùng con chip Zhaoxin Kaixian

Chỉ có một vài nhà sản xuất được cầm trong tay bản quyền sản xuất chip xử lý kiến trúc x86, trong đó đương nhiên có Intel và AMD. Hai cái tên khác ít được biết tới hơn là VIA và DMP Electronics. DMP là một nhà sản xuất thiết kế ra những chip tích hợp Vortex86 dùng trong nhiều ngành nghề, như bên trong chiếc hộp thu tín hiệu truyền hình anh em đang dùng hàng ngày chẳng hạn.

Còn VIA của Trung Quốc hồi năm 2013 đã thành lập Zhaoxin, hợp tác với chính quyền thành phố Thượng Hải, một hành động trong những nỗ lực giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào công nghệ phương Tây. VIA chỉ nắm trong tay một phần rất nhỏ cổ phần của Zhaoxin, nhưng quan trọng hơn, sự hiện diện của họ cho phép Zhaoxin sản xuất những con chip CPU kiến trúc x86 cho desktop.

CPU Kaixian của Zhaoxin được sản xuất trên tiến trình 16nm, tên đầy đủ của phiên bản cao cấp nhất là KaiXian-U6880A, người dùng ở Trung Quốc có thể mua về trang bị cho PC chơi game của mình. 8 nhân xử lý của CPU này chạy ở tốc độ 3.0 GHz, không có siêu phân luồng, không có xung nhịp boost, thậm chí không có cả bộ nhớ đệm L3. Benchmark cho thấy, U6880A nằm ở quãng tiệm cận hiệu năng của chip APU 4 nhân A10-9700, phiên bản nâng cấp của kiến trúc Bulldozer hồi năm 2016.

QUẢNG CÁO

Hiệu năng chơi game của U6880A không phải ở mức ấn tượng, thi thoảng còn bị con chip 2 nhân Athlon 200GE đánh bại, nhưng vẫn đủ để chơi Hitman 3 và FarCry 5 ở tốc độ 30 FPS.

Dự kiến, thế hệ CPU Kaixian 7000 sẽ được sản xuất trên tiến trình 7nm, tạo ra hiệu năng và xung nhịp tốt hơn, nhưng vẫn chưa biết so với Alder Lake và Zen 4 thì có cạnh tranh được không. Mà thực tế thì đó không phải vấn đề quan trọng, vì Kaixian được Zhaoxin sản xuất để phục vụ thị trường nội địa, tạo ra một giải pháp PC không phụ thuộc vào Mỹ, nhưng vẫn đủ để làm những công việc cơ bản trên máy tính.

Elbrus: CPU chỉ phục vụ cho máy chủ chính phủ Nga

Con chip CPU này được đặt tên theo đỉnh Elbrus, ngọn núi cao nhất Liên bang Nga, và bản thân sự ra đời của sản phẩm này cũng giống hệt như Kaixian ở trên, giúp Nga bớt phụ thuộc vào công nghệ của phương Tây. Tuy nhiên nếu như Kaixian hướng tới đối tượng người tiêu dùng, thì Elbrus được tạo ra chỉ để phục vụ cho yêu cầu điện toán bảo mật của chính phủ Nga, người dân không thể mua được vì chúng được sản xuất chỉ để trang bị trong các máy chủ thuộc quyền kiểm soát của chính phủ nước này, bao gồm cả những máy chủ HPC để phục vụ nghiên cứu khoa học hay quân sự, cùng những máy PC đầu cuối trong ngành quốc phòng hay những ngành nhạy cảm.

MCST (Moscow Center of SPARC Technologies), đơn vị sản xuất những con chip nói trên là công ty có khởi nguồn từ nhóm phát triển cao cấp của chính quyền Liên bang Xô Viết. Trong 30 năm qua, những phiên bản chip Elbrus ISA đã lần lượt được cho ra mắt. Phải nói thêm, Elbrus không phải CPU kiến trúc x86, thay vào đó nó có khả năng dịch mã nhị phân, giống hệt như những gì Apple M1 có thể làm được. Điều này cho phép Elbrus chạy được những chương trình x86 trên những nền tảng hệ điều hành như Windows.

Vài tháng trước, MCST giới thiệu Elbrus 16S, sản xuất trên tiến trình 16nm, xung nhịp 2.0 GHz, sức mạnh xử lý 1.5 teraflops. Điều đáng chú ý là Elbrus 16S hỗ trợ quad socket, tối đa 16TB RAM, điều mà những CPU cao cấp nhất cho máy chủ từ cả Intel lẫn AMD giờ đều chưa thể làm được.

>>> Xem thêm: máy chủ hpe proliant dl380 gen10

 

Ấn Độ có SHAKTI: Nền tảng RISC-V phục vụ cho IoT

Hồi năm 2018, các nhà nghiên cứu tại Viện khoa học Ấn Độ giới thiệu nền tảng chip xử lý dựa trên kiến trúc RISC-V. Bản thân ngành chip bán dẫn của Ấn Độ hiện giờ cũng vô cùng sơ khai, và bản thân con chip SHAKTI cũng mô tả đúng tình hình, khi nó được sản xuất trên tiến trình… 180nm và xung nhịp 100 MHz. Những chip SHAKTI E-series được tạo ra hướng tới những ứng dụng IoT dùng ít năng lượng, ví dụ như những cảm biến chẳng hạn.

Tài sản trí tuệ cốt lõi của kiến trúc SHAKTI được phát triển với sự tài trợ của chính phủ, nhưng một công ty mới thành lập của Ấn Độ, InCore Semiconductors hiện giờ đang sản xuất những chip SHAKTI có thể tùy chỉnh cho các tập khách hàng tư nhân rất hạn chế. Chắc chắn sẽ mất một khoảng thời gian không ngắn trước khi Ấn Độ bắt kịp được với những công ty như Intel, hay thậm chí là bắt kịp được với Zhaoxin của Trung Quốc. Dĩ nhiên, lộ trình nào thì cũng phải có những bước đi đầu tiên. Ngay ở thời điểm hiện tại, những con chip SHAKTI hoàn toàn có thể được triển khai cho nhiều tác vụ IoT hướng đến thương mại cũng như phục vụ chính phủ Ấn Độ. Ít nhất thì trong vòng 5 năm tới, chúng ta sẽ không thể thấy được những sản phẩm CPU desktop “Made in India”, nhưng nền tảng thì đã có sẵn rồi.

Tạm kết

Trong tương lai gần, Intel và AMD vẫn sẽ tạo ra cuộc đua song mã độc quyền trên thị trường PC tiêu dùng. Trừ khi anh em sống ở Trung Quốc hoặc làm việc cho chính phủ Nga, thì lựa chọn chip xử lý máy tính duy nhất không phải của hai hãng này, có thể mua về dùng ngay lập tức một cách dễ dàng chỉ có thể là Apple M1, 8cx hay những sản phẩm kiến trúc ARM các hãng tạo ra để cạnh tranh trực tiếp với hiệu năng của M1 hay những phiên bản kế cận. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng, bức tranh toàn cảnh của ngành CPU thế giới đã trở nên đa dạng hơn rất nhiều chỉ trong vài năm vừa qua.

Công ty cổ phần thương mại Máy Chủ Hà Nội

- Trụ sở Hà Nội: Tầng 1,2,4 - Tòa nhà PmaxLand số 32 ngõ 133 Thái Hà - Q. Đống Đa

  Hotline mua hàng Hà Nội: 0979 83 84 84       Điện thoai: 024 6296 6644

- CN Hồ Chí Minh: Lầu 1- Tòa nhà 666/46/29 Đường 3/2- Phường 14 - Quận 10

  Hotline mua hàng Hồ Chí Minh: 0945 92 96 96      Điện thoai: 028 2244 9399

- Email: hotro@maychuhanoi.vn

- website: https://maychuhanoi.vn/

- facebook: https://www.facebook.com/maychuhanoi

>>> Xem thêm: máy chủ hpe proliant dl360 gen10